Niên đại Khu_di_tích_lò_gốm_Tam_Thọ

Dựa trên phương pháp so sánh loại hình và phương pháp Định tuổi bằng cacbon-14, niên đại của khu lò gốm Tam Thọ kéo dài từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 4.[1][3][4]

Khu lò gốm Tam Thọ nằm ở khu vực trung tâm của đồng bằng Thanh Hóa, gần các sông cổ trong khu vực như kênh Đô, sông Hoàng, sông Nấp, có những mỏ đất sét trắng thuận lợi cho việc khai thác sản xuất gốm. Các mỏ sét trắng này là kết quả trầm tích phù sa sông cổ ở vùng trước đồi núi sót quanh vùng như núi Đa Sĩ, núi Nhồi, núi Nấp, núi Hoàng Nghiêu. Kênh Đô ở Tam Thọ nối liền với hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Chu, là tuyến giao thông giúp gốm Tam Thọ vươn ra khắp vùng đồng bằng và miền núi Thanh Hóa. Vùng đồi núi phía tây nam khu lò gốm có thể là nơi cung cấp nguyên liệu đốt chủ yếu.[1]

Chủ nhân của các lò gốm Tam Thọ có thể là những chủ lò vùng Giang Nam (Trung Quốc) sang lập nghiệp ở Cửu Chân thời thuộc Hán hoặc cũng có thể những người thợ gốm Đông Sơn qua giao lưu tiếp xúc đã học được kỹ thuật sản xuất gốm mới trên nền tảng kĩ thuật sản xuất gốm từ gốm Đa Bút, gốm Hoa Lộc, gốm Cồn Chân Tiên, gốm Quỳ Chữ.[1] Lò gốm Tam Thọ cũng như các lò gốm xuất hiện trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam như các lò gốm Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh) đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời của Trung Hoa để sản xuất ra dòng gốm Việt – Hán mang sắc thái bản địa bên cạnh dòng gốm Đông Sơn tồn tại trong các làng Việt cổ.[4]